Rượu Ba Kích – Đặc Sản Hạ Long
Rượu Ba Kích – Tôi nhớ có một cuộc thi dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tìm hiểu về vịnh Hạ Long. Trong đó có câu hỏi: Thứ rượu đặc sản của vùng vịnh Hạ Long? Vợ tôi hỏi lại tôi câu hỏi này, rồi trả lời luôn: Rượu ngán phải không anh? Bọn trẻ lớp em nó chọn rượu ngán? Tôi hơi ngờ ngợ, sau cũng thấy chọn rượu ngán là có lý. Từ đó tôi chợt nghĩ: Thế rượu ba kích là đặc sản của Quảng Ninh có được không? Đi đến một vài vùng quê khác ngoài Quảng Ninh nói đến rượu ba kích, họ không biết…
Lại nhớ, hồi bé học trong sách tập đọc có bài về anh hùng Tấn Anh ra đảo Cái Chiên, bài viết có nhắc đến thứ dược thảo có tên là phóng sì. Sau này tôi có dịp ra đó hỏi người dân đảo xem phóng sì là gì, họ bảo đó là ba kích. Nhưng tôi cũng không được mục sở thị. Mãi đến khi lên Ba Chẽ, thấy người ta phơi đầy một loại củ trông như là mớ ruột gà, mới hỏi thì họ bảo đó là củ ba kích. Là vậy. Thứ rượu ngâm với củ này được gọi là rượu ba kích.
Rượu ba kích lần đầu tiên tôi được uống là ở Ba Chẽ. Rượu uống mùi thơm thơm, rõ ra vị thuốc, hơi ngọt ngọt. Lại vớ được một ông họ Bàn, người Dao, hình như là Bàn Tiến Dũng thì phải, rất nhiệt tình uống, thành thử cứ “trăm phần trăm” cho đến lúc bá vai bá cổ nhau, tranh nhau nói vẫn chưa thôi.
Được cái, uống nhiều như thế nhưng say êm, không thấy đau đầu, ngủ sáng dậy không thấy mệt lắm. Tôi nhớ rượu lúc ấy ngâm từ củ ba kích trắng. Anh bạn tôi làm ở bưu điện huyện Ba Chẽ hôm tôi về, ngoài việc rót cho 1 lít rượu ba kích nhà anh ngâm còn mua tặng mấy cân củ, bảo về ngâm rượu uống tiếp. Ba kích lúc ấy không đắt lắm.
Về nhà, tôi nhớ mẹ vợ tôi thấy tôi để mớ củ ba kích mãi không đem ngâm rượu, bà mới lấy đem rửa sạch, bóc bỏ lõi, phơi lại cho khô rồi đem sao vàng hạ thổ, sau hãm nước làm trà uống. Nước hãm từ ba kích uống thơm, vị ngọt mát.
Với tôi, lúc đầu chỉ thấy rượu ba kích ở Ba Chẽ, ngâm từ củ ba kích trắng. Nay thì thấy ở đâu cũng có, mà lại chủ yếu rượu ngâm từ củ ba kích tím, nên màu rượu cứ tím lịm. Trong các đơn vị làm than, ở một số nơi tôi đã dùng bữa với họ bằng chính thứ rượu ba kích do chủ nhà tự ngâm. Còn ở nhà hàng thì chỗ nào cũng thấy có, cứ có yêu cầu là người ta đáp ứng.
Hỏi 10 nhà hàng thì có tới 9 nhà họ bảo họ tự ngâm lấy chứ không phải đi mua ở đâu cả. Có điều, rượu ba kích ở nhà hàng thì loãng, màu tím ít, “đi qua hàng ba kích”, trong khi rượu ba kích của các mỏ than đặc, màu rượu tím lịm, sóng sánh.
Đến nhà hàng, nếu lựa chọn rượu trắng với rượu ba kích, hầu hết người ta chọn rượu ba kích, cho dù có “đi qua hàng ba kích” vẫn thấy dễ uống hơn, chủ yếu là do mùi vị dễ uống, cũng bởi Quảng Ninh không có rượu trắng – quốc lủi ngon nơi các nhà hàng.
Uống rượu ba kích theo các cách khác nhau, tôi đã thử dùng đủ cả. Ban đầu là rượu cứ rót thẳng từ hũ ra mà nốc. Cũng chẳng sao. Sau lại bày ra hâm nóng lên, mùa rét, uống cũng được. Rồi mùa hè nóng quá, rượu ba kích đóng chai lavi ngâm vào xô nước đá, rót ra uống lạnh ngắt, cũng thấy thú vị.
Nhà báo Trương Thiếu Huyền ở Báo Quảng Ninh có lần hỏi tôi xem thử uống rượu ba kích với món nhắm gì là hợp nhất, cũng như cái kiểu có lần tôi được dự một cuộc rượu với người nước ngoài trên thuyền lênh đênh nơi Vịnh Hạ Long, ăn hải sản tươi sống, người ta phải chọn loại vang trắng, mới bảo là hợp. Nhưng với rượu ba kích, tôi chịu, không biết hợp với món nhắm nào. Thuỷ hải sản cũng uống rồi, thịt hoẵng, thịt lợn rừng cũng nó, thịt gà, thịt lợn cũng thứ rượu ấy thôi. Đều thấy được cả.
Người xưa khuyên, phàm là các thứ rượu đã ngâm một loại dược thảo nào đó thì hãy uống nó như rượu thuốc, tức là uống để chữa bệnh hay bồi bổ sức khoẻ, uống phải theo giờ giấc, liều lượng nhất định. Nhưng nay uống, nào tôi có thấy ai làm được như thế, nhất là làm cái công việc thường hay được mời đi đánh chén ở nhà hàng, tôi thấy rượu ba kích, rượu mật gấu cứ hò nhau uống tràn cung mây, uống cho thật thích, ép nhau uống đến thật say.
Rượu mà đã uống được như thế thì đúng là rượu đặc sản rồi…
… Và tôi đã thấy láng máng ở một bữa tiệc nào đó có rượu ba kích đóng chai, hình như có một cơ sở nào đó ở Quảng Ninh sản xuất thì phảin