Đảo Cái Chiên
Đảo Cái chiên hay Xã đảo Cái Chiên thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng ninh, xã đảo nằm cách xa đất liền khoảng 20km. Hiện xã đảo Cái Chiên chưa có tàu khách thông thương nối với đất liền. Nếu muốn đến xã đảo Cái Chiên phải tự thuê tàu, hoặc qua mối quen biết đi nhờ ngư dân, hoặc nhờ tàu công tác của các ngành chức năng mới đến được xã đảo này.
Thông tin đảo Cái Chiên
Với diện tích 2.500ha, nhưng đảo Cái Chiên đa phần là đồi núi và bãi biển; trong đó, chỉ có 108ha đất nông nghiệp cấy lúa và trồng mầu. Cả xã chỉ có 154 hộ và 552 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp.
Năm 2011, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Cái Chiên được làm một con đường bê tông dài 5km xuyên suốt đảo và một số công trình khác như: hồ cấp nước Vạn Cả (thôn Vạn Cả), có sức chứa khoảng 36.000m3; hồ Khe Đình (thôn Đầu Rồng) chứa khoảng 18.000m3 nước. Những công trình này sau khi hoàn thành, sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt lẫn nguồn nước tưới cho các cánh đồng của cả xã.
Đặc biệt, Cái Chiên có bãi biển dài khoảng 2km, cát trắng mịn, đẹp không kém những bãi tắm du lịch hiện nay ở các xã Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn). Đi dọc con đường bê tông xuyên đảo, chúng tôi còn thấy nhiều bãi cát lẫn những bãi đá trải dài, mỗi chỗ có một nét nên thơ riêng. Năm 1998, UBND xã đã vận động nhân dân trồng cây phi lao chắn cát trên diện tích khoảng 2ha ở khu vực bãi biển chính. Rừng phi lao giống như tấm áo mầu xanh ôm lấy bãi biển, mỗi đợt gió thổi hàng cây đu đưa tạo ra khúc nhạc của thiên nhiên thật vui tai.
Bao quanh bãi biển là các đảo nhỏ thuộc xã như: Thoi Xanh, Gò Vàng, Rèm Ba, Hòn Trực. Trên các đảo nhỏ này, không có người ở mà chỉ là những khu rừng nguyên sinh. Xa mờ mờ dưới chân mây là đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái), huyện đảo Cô Tô và các đảo Sậu Đông, Sậu Nam (huyện Vân Đồn). Tiềm năng là như vậy, nhưng hiện tại chưa có một đơn vị làm du lịch nào đầu tư vào Cái Chiên để tạo ra những tour du lịch khép kín Vân Đồn – Cô Tô – Cái Chiên (Hải Hà).
Theo lý giải của lãnh đạo xã đảo này, những tiềm năng ở Cái Chiên chưa được khai thác vì du lịch huyện đảo Cô Tô cũng chưa phát triển mạnh. Còn 2 hòn đảo Sậu Đông, Sậu Nam của huyện Vân Đồn, hiện đang nằm trong khu vực bảo vệ của Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Ngoài ra, Cái Chiên còn chưa có điện lưới; việc đi lại giữa Cái Chiên với đất liền quá khó khăn. Hiện chưa có cảng cập tàu phía đất liền Hải Hà.
Nếu muốn ra đảo Cái Chiên phải chờ con nước, hoặc chấp nhận xắn quần lội nước vì tàu không cập được sát bờ. Năm 2006-2009, người dân xã đảo đã rất vui mừng khi có Dự án đầu tư Khu công nghiệp Hải Hà do Tập đoàn Vinashin thực hiện. Tổng mức đầu tư giai đoạn I của Dự án này khoảng 2.217,4 tỷ đồng.
Dự án không chỉ hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động của Hải Hà mà còn có thể tạo ra cú huých phát triển kinh tế của huyện như: xây dựng cảng nước sâu tiêu chuẩn quốc tế có thể tiếp nhận tàu trọng tải 20.000DWT; nhà máy đóng tàu thuỷ.v.v. Khi khu công nghiệp xây dựng xong sẽ tạo thuận lợi cho việc thông thương, cũng như kéo điện lưới ra đảo Cái Chiên. Thế nhưng, hiện nay Dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ vì nhiều lý do khiến cho bà con trên xã đảo không khỏi buồn.
Phó Bí thư Đảng uỷ xã, Ông Lê Xuân Nguyễn cho biết: “Trước mắt, Cái Chiên sẽ cố gắng gìn giữ những gì mà thiên nhiên ban tặng, như bãi biển khỏi bị sự xâm hại của những kẻ khai thác cát trái phép. Cái Chiên có 500ha rừng nguyên sinh, các thôn trong xã đã thành lập ra đội tự quản bảo vệ rừng, ngăn chặn những hành vi phá hoại rừng.
Đảo Cái Chiên đang được đầu tư nâng cấp các công trình hồ chứa nước sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp cũng như đời sống người dân, trong khi chờ đợi cơ hội mới đến với xã”. Chia tay với Cái Chiên, tôi thầm mong, những tiềm năng của xã sớm được khai phá, để Cái Chiên bứt ra khỏi tiếng xấu là xã nghèo, trong khi người dân đang sống trên một thắng cảnh đầy tiềm năng, lợi thế du lịch.