Lễ hội Tiên Công
Lễ Hội Tiên Công ở Miếu Tiên Công nằm trên một khu đất bằng phẳng, rộng 3.000 m2 của xã Cẩm La, huyện Yên Hưng và đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Đây là nơi thờ 19 vị Tiên Công đã có công quai đê, lấn biển lập nên vùng Hà Nam trù phú như ngày nay.
Thông tin Lễ hội Tiên Công
- Thời gian: 7/1 âm lịch.
- Địa điểm: Xã Cẩm La, đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
- Suy tôn: Các vị Tiên Công có công lập nên khu đảo Hà Nam.
- Đặc điểm: Các cụ trên 70 tuổi được con cháu rước ra đền tế chúc. Diễn trò đánh vật.
Phần lễ tế con cháu đội các mâm lễ vật đi trước, đặc biệt trên mâm có con long mã kết bằng hoa quả, các cụ thượng thọ đi sau. Các cụ già yếu thì được con cháu khiêng bằng võng, che bằng lọng.
Sau phần lễ tế đến lễ động thổ. 4 cụ thượng thọ được chọn từ trước sẽ bẻ bốn hòn đất đắp đê tượng trưng đứng trước hương án Tiên Công và diễn trò đánh vật nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng của các Tiên Công. Sau lễ động thổ là các trò chơi như chọi trâu, chọi gà, đánh cờ người, chơi đu, hát chèo suốt từ sáng đến đêm.
Đã thành lệ, cứ đến ngày 7 tháng giêng hàng năm, nơi đây lại diễn ra lễ hội Tiên Công, là dịp con cháu của các vị Tiên Công ở khắp mọi nơi tụ hội về trong lễ mừng rước các cụ thượng thọ lên miếu. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất, mở đầu hàng năm của huyện Yên Hưng.
Lễ hội Tiên Công lại là dịp con cháu những vị Tiên Công khắp nơi quy tụ về. Trong không khí trang nghiêm của nghi lễ, người xem hội dễ dàng nhận thấy khuôn mặt những người con, người cháu rạng ngời niềm hạnh phúc khi được rước ông bà, cha mẹ lên miếu cáo lễ với tổ tiên. Trong số họ, có người ở Hà Nam, người thì ở Hạ Long, Hải Phòng, các tỉnh phía Nam hay xa hơn là từ nước ngoài, đã trở về.
Thật cảm động khi chứng kiến trong số 120 cụ thượng thọ (80, 90 và 100 tuổi) được rước lên miếu có cụ Lê Đồng Rệu, 80 tuổi, vốn sinh ra tại xã Nam Hoà (Yên Hưng), hiện định cư tại Canada cũng được con cháu đón về để làm lễ cáo với tổ tiên. Trong số con cháu, họ hàng cùng quỳ lạy với cụ thượng trước bàn thờ tổ tiên trong miếu Tiên Công, đáng chú ý có những cháu nhỏ chừng 5- 6 tuổi cũng chắp tay thành kính.
Có lẽ được “tắm mình” trong những lễ hội, gia phong gia đình, dòng họ như thế ngay từ nhỏ, nên dễ hiểu vì sao người dân vùng Hà Nam giữ gìn truyền thống văn hoá trong các gia đình, dòng họ dẫu hàng trăm năm vẫn không hề suy suyển. Chẳng hạn như những tập tục cưới đêm, hay như tục quy định người trong một họ Tiên Công không được lấy nhau, dù cho có cách đến hơn 4 đời…
Hàng năm, các gia đình, dòng họ ở Hà Nam, Yên Hưng có nhiều lễ, tiết như ngày chạp họ 12 tháng chạp, đám cưới, đám giỗ… nhưng không thể phủ nhận, lễ hội Tiên Công chính là dịp lớn nhất để mọi người dân nơi đây cùng hướng về cội nguồn tổ tiên, là dịp ôn lại những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Chính vì vậy, có những người lớn lên dù định cư ở bất cứ đâu họ cũng không quên gốc rễ của mình.