Đảo Quan Lạn

Đảo Quan Lạn thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, đây là tuyến đảo phía ngoài cùng của vịnh Bắc Bộ, toàn đảo có diện tích 11 km2, trên đó cư dân sống trong 8 thôn làng. Đảo Quan Lạn trải dài theo hướng đông tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi Gót với những ngọn núi cao phía đông, tạo nên như bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi bảo vệ cho cư dân.

Quan Lạn nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philipin… Chạy dọc suốt theo hai bên đảo là những bãi cát dài tới hàng chục kilômét, đây là nguồn nguyên liệu làm thuỷ tinh dường như vô tận của biển cả dành cho con người và là tài nguyên du lịch vô cùng hấp dẫn của vùng. Quan Lạn có rất nhiều loại đặc sản biển quý và ngon như mực, cá chim, cá thu, hải sâm, tôm, sái sùng…

Ngay từ thế kỷ 11, Quan Lạn đã là một trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn sầm uất và thịnh vượng, tàu bè ra vào tấp nập. Hiện nay, trên đảo còn có rất nhiều di tích liên quan tới thương cảng đó. Điều này cũng giải thích vì sao giữa chốn biển khơi mênh mông lại có những ngôi chùa to lớn cùng nhiều di chỉ khảo cổ đến vậy.

Tại đây có ngôi đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ 18 tuyệt đẹp, hiện nay vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn, các đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bên cạnh đình là chùa Quan Lạn (Linh Quang tự) thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Trong chùa còn có tượng cụ Hậu, một người dân địa phương góp nhiều công sức xây dựng chùa. Bức tượng là một bà cụ già Việt Nam tươi tắn, hiền hòa, chất phác đã tạo nên nét độc đáo của chùa. Cạnh chùa Quan Lạn là Miếu Nghè Quan Lạn (miếu Đức Ông) thờ Phạm Công Chính, một người dân địa phương đã tham gia trận Vân Đồn lịch sử chống quân Nguyên và được suy tôn là Vị Thần.

 

Chia sẻ "Đảo Quan Lạn" Thông qua:

Chưa có nhận xét.

Để lại một trả lời